Vậy có cách nào giúp chúng ta chủ động hơn trong việc sáng tạo không?
Bởi giả thử, nếu ngày đó, Acsimet không để quên vòi nước, thì chắc gì ông đã phát hiện ra mối liên hệ giữa phần nước tràn ra và khối lượng cơ thể ông trong bồn tắm? Nếu ngày đó không phải là táo rụng, mà là mít rụng, liệu Newton có kịp phát kiến ra định luật ấy? Liệu có những nguyên tắc sáng tạo? Và khi đã là nguyên tắc thì có còn sáng tạo nữa không?
Sau một thời gian ứng dụng các nguyên tắc sáng tạo và đạt nhiều kết quả tích cực. Hôm nay mình sẽ bật mí với bạn một trong những công cụ sáng tạo mà mình tâm đắc nhất. Nó vừa là một trò chơi thư giãn, vừa là một công cụ cực mạnh giúp bạn, cũng như nhóm của bạn tạo ra rất nhiều ý tưởng phong phú, từ hài hước nhất, cho tới những ý tưởng táo bạo nhất.
Góc nhìn đơn giản về bản chất sáng tạo
Hãy nhìn lại những phát kiến mình nêu trên và ngẫm xem thực ra tác giả của nó đã làm gì? Có phải họ đang liên kết vấn đề mà họ đang đau đầu với một sự vật, hiện tượng nào đó?
Acsimet lúc để ý nước tràn ra khỏi bồn tắm, ông đã gắn kết nó ngay với vấn đề mình đang đau đầu là làm sao để cân và xác định vương miện cho vua làm bằng vàng thật 100%. Tương tự, đã từng có một anh chàng trở thành triệu phú nhờ bán một triệu điểm ảnh trên website, có phải đó cũng là sự kết hợp của Pixel (Điểm ảnh) và vấn đề đóng tiền học phí anh ta đang đau đầu?
Nói một cách khác, hiểu một cách đơn giản thì sáng tạo chính là tìm ra mối liên kết giữa vấn đề của bạn và giải pháp. Bạn càng liên kết nhiều, càng liên kết nhanh, càng liên kết mạnh, càng liên kết được những thứ mà không ai nghĩ chúng… liên quan, bạn càng sáng tạo.
Sức mạnh của ngôn ngữ và từ khóa
Thống kê cho thấy chúng ta thường quên 80% thông tin thu nạp trong ngày, và tiếp tục quên tiếp 20% còn lại nếu không ôn lại. Song đó không phải là trí nhớ chúng ta kém, mà sức mạnh chính của não bộ nằm ở việc liên kết, sáng tạo, giải quyết vấn đề.
Einstein từng chia sẻ ông ko bao giờ tìm cách nhớ những gì mà ông có thể tra cứu được ở đâu đó. Do vậy, khi có một ý tưởng hay, đừng dại dột gì mà không ghi lại!
Và khi ghi chép, chúng ta đang sử dụng một phương tiện được gọi là “ngôn ngữ”. Và một bí mật, vì não bộ có khả năng liên kết rất tốt, nên bạn chỉ cần ghi lại những từ khóa, chứ không cần đầy đủ cả câu. Ví dụ. Thay vì ghi cả câu “Hôm nay tớ lên mạng tình cờ tìm được blog này chứa rất nhiều bài viết tuyệt hay” thì bạn chỉ cần 4 chữ là “Blog này tuyệt hay” là đủ hiểu ^^!
Đảo ngược lại vấn đề, nếu như ngôn ngữ và từ khóa là phương tiện biểu đạt ý tưởng, thì việc kết hợp ngẫu nhiên các từ khóa với nhau cũng sẽ có thể tạo ra ý tưởng. Ví dụ, ta có thể kết hợp từ “Online” với rất nhiều từ khóa khác để tạo ra các ý tưởng mới.
Online + Karaoke > chúng ta có Sannhac.vn, cho anh em hú hét ngay tại bàn!
Online + Ôn thi > chúng ta có Hocmai.vn, lò luyện tại gia… luôn.
Online + Café > nhâm nhi những ly Café cho tâm hồn, tại sao ko?
Online + Quét virus > công cụ quét virus online thay vì cài đặt trên máy.
Online + Tích cực > Mạng xã hội dành cho người tích cực (Hội Điểm tin chẳng hạn ^^!)
Trò chơi “Rổ từ khóa – hóa ý tưởng”
Trò chơi đơn giản đúng như tên gọi của nó. Đầu tiên bạn hãy viết ra những từ khóa trên các tấm thẻ nhỏ. Chúng được gọi là thẻ từ khóa, các tấm thẻ này sẽ được phân loại theo một cách nào đó và được cho vào những cái rổ khác nhau được gọi là rổ ý tưởng. Sau đó nhóm bạn sẽ lượt bốc thẻ từ các rổ, và liên kết chúng thành một ý tưởng thú vị (nếu ai ko làm được sẽ bị… ăn búng tai ^^!)
Kinh nghiệm của mình cho thấy nên có ít nhất 2 rổ.
Rổ thứ nhất chứa các từ khóa “liên quan”, tức là sau khi đã chọn được vấn đề cần giải quyết, chúng ta sẽ tìm ra những từ khóa liên quan, càng nhiều càng tốt. Ví dụ mình hay phải thiết kế trò chơi, trải nghiệm trong đào tạo nên những từ khóa “phân nhỏ” sẽ thường liên quan tới con người.
Ví dụ liên quan tới người thì có những nhu cầu cảm xúc của người tham gia. Thì từ khóa “liên quan” ở đây có thể là “giao tiếp”, “yêu thương”, “tôn trọng”, “chạy nhảy”, “thư giãn”, “kết nối” v.v… hoặc có những thứ liên quan dễ thấy hơn là… bộ phận trên cơ thể “tay”, “chân”, “mắt”, “mũi” v.v… những từ khóa “liên quan” này sẽ giúp ý tưởng của bạn trở nên khả thi.
Rổ thứ hai chứa các từ khóa “chả liên quan”, đúng như cái tên của nó. Nó là những từ khóa bất chợt bạn nghĩ ra, càng không liên quan càng tốt ví dụ “dây thừng”, “thư tay”, “chim bồ câu”, “đống lửa”, “xoắn quẩy”, “dò mìn”, “máy bay” v.v… những từ khóa này sẽ kích thích giúp bạn tạo ra ý tưởng lạ.
Sau đó bắt đầu bốc và liên kết lại. Ví dụ bốc được 2 từ là “xoắn quẩy” và “tay” thì có thể có trò mọi người lao vào nắm tay nhau, sau đó thi xem đội nào gỡ được ra nhanh hơn. Hoặc bốc được từ “chân” và “máy bay” thì có thể có trò thi… gấp máy bay bằng chân xem đội nào nhanh hơn.
Nếu bạn muốn tìm ý tưởng kinh doanh, thì có thể rổ “liên quan” của bạn sẽ là các nhu cầu đang hót, ví dụ như “giảm stress”, “học tiếng anh” và từ khóa kích thích có thể là “online”, “sổ tay”, “máy bay”, “giấc ngủ” v.v… khi kết hợp lại sẽ có rất nhiều ý tưởng thú vị.
Ví dụ, làm sao để vừa “ngủ”… vừa “học tiếng anh” nhỉ??? có cách nào “giảm stress” “online” không??? hoặc có cách nào vừa ngủ… vừa giảm stress không??? (có đấy, bạn có thể tham khảo audio “bí mật ngủ ngon” cũng trên blog này!). Thậm chí ngay bây giờ, bạn có thể nhìn xung quanh bạn và ghép 2 đồ vật bất kỳ vào nhau, đảm bảo bạn sẽ có một ý tưởng sản phẩm cực thú vị!
Làm sao luyện tập khả năng liên kết
Cuối cùng, để chiến thắng trong trò chơi này và cho ra lò những ý tưởng hay thì khả năng liên kết rất quan trọng. Sau đây là một số bí kíp rèn luyện của mình.
#1 – Hãy luôn nghĩ và tin rằng, bạn là một nguồn sáng tạo tuyệt vời nhất thế gian này, không có gì có thể giới hạn khả năng của bạn trừ chính bạn.
#2 – Đừng bao giờ ngại khi khi phải liên kết những từ khóa khó, hay giải quyết một vấn đề nan giải. Bởi não chúng ta càng được thách thức, nó càng phát triển.
#3 – Hãy rủ bạn bè chơi trò “Rổ Ý tưởng”, ko nhất thiết phải là ý tưởng kinh doanh hoành tráng, có thể đơn giản chỉ là tạo ra những trò chơi, hoạt động mới cho lớp chẳng hạn.
#4 – Khi nghe được, tìm được, biết được bất cứ ý tưởng nào. Hãy mổ xẻ nó và diễn đạt lại bằng 5-7 từ khóa. Bạn sẽ thấy khả năng tóm lược ý và phát triển ý của mình gia tăng bất ngờ!
#5 – Hãy thường xuyên luyện trí tưởng tượng, hãy tham khảo bài “Rèn trí tưởng tượng” để biết cách kích hoạt trí tưởng tượng mọi lúc mọi nơi.
Chúc bạn luôn luôn là nguồn sáng tạo vô tận, và sáng tạo ra những ý tưởng tuyệt vời!